Công nghệ thông tin - viễn thông Việt Nam là điểm sáng, doanh thu tới 148 tỉ USD
Bốn năm kể từ khi thông điệp "Make in Vietnam" chính thức được đưa ra, công nghệ thông tin - viễn thông trở thành ngành kinh tế động lực, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, chính phủ số.
Ngày 12-6, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố danh sách Top 10 công ty công nghệ uy tín năm 2023, đồng thời đưa ra bức tranh của ngành công nghệ thông tin Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023.
Tăng trưởng tốt năm 2022 nhưng 2023 "ngấm đòn"
Trong bối cảnh khó khăn kinh tế vĩ mô toàn cầu, ngành công nghệ thông tin - viễn thông Việt Nam vẫn có những bước tiến mạnh mẽ, tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin năm 2022 ước đạt 148 tỉ USD, tăng trưởng 8,7%; trong khi số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 khoảng 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021.
Tỉ lệ đóng góp vào GDP của lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin cũng như kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử đều ghi nhận sự gia tăng so với thời điểm năm 2021 (+8,7% và +11,6%).
Tuy nhiên, báo cáo của Vietnam Report cũng lưu ý giai đoạn từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 chứng kiến các doanh nghiệp trong ngành dần "ngấm đòn" từ sức cầu yếu do rủi ro suy thoái kinh tế thế giới và áp lực lạm phát.
Quý 1-2023, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin cũng như kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử Việt Nam giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 3-2023 ước đạt 845.577 tỉ đồng, tỉ lệ doanh thu ước đạt 20% so với kế hoạch năm. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử ước đạt khoảng 26,6 tỉ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ.
Dẫn đầu top 7 ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt
Kết quả khảo sát do Vietnam Report tiến hành vào tháng 3-2023 chỉ ra công nghệ thông tin - viễn thông dẫn đầu top 7 ngành được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt trong ít nhất 2 - 3 năm tới với tỉ lệ 63,6% số doanh nghiệp lựa chọn.
Khảo sát cũng chỉ ra top 4 khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp trong ngành đã, đang và sẽ phải đối mặt trong năm 2023, bao gồm: (1) Tuyển dụng và giữ chân nhân tài; (2) Thiếu chính sách, quy chế, khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ cho sản phẩm, dịch vụ phát triển trên các nền tảng công nghệ mới; (3) Cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành; và (4) Hạn chế tiếp cận nguồn vốn đầu tư.
Vấn đề an ninh mạng cũng được chú ý, khi đây là cơ sở hạ tầng trọng yếu - nơi bất kỳ cuộc tấn công mạng nào cũng có thể gây ra thiệt hại đáng kể đến nền kinh tế, an ninh và uy tín của một quốc gia.
Theo thống kê từ Kaspersky Security Network, số vụ tấn công trực tuyến tại Việt Nam được phát hiện và ngăn chặn trong năm 2022 là 41.989.163 vụ, giảm 33,8% so với năm 2021, đưa Việt Nam đứng thứ 49 trên toàn thế giới về số lượng các cuộc tấn công trực tuyến vào năm 2022, giảm 17 bậc so với năm 2020.
Các chuyên gia cho rằng những kết quả tích cực trên có được là do các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng đã đi vào thực tế và phát huy hiệu quả khi hầu hết các hệ thống thông tin quan trọng được đưa vào giám sát và đánh giá bảo mật định kỳ.
Về phía doanh nghiệp, 53,9% số doanh nghiệp công nghệ tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết đã triển khai toàn diện hoạt động an ninh mạng, trong đó 46,2% sẽ tăng cường phát triển thêm.
Các doanh nghiệp tỏ ra rất tự tin khi đánh giá mức độ đảm bảo an toàn an ninh mạng tại tổ chức của mình tương đối mạnh, trung bình từ 4,3 - 4,7 trên thang điểm 5.